Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

Tràn dịch màng phổi

Tràn dịch màng phổi
Tràn dịch màng phổi là tình trạng tích tụ dịch trong khoang trống giữa phổi và thành ngực. Màng phổi là một lớp màng mỏng lợp mặt trong thành ngực và bao bọc lấy phổi. Bình thường có một lượng dịch ít nằm giữa 2 lớp của màng phổi, nó có tác dụng giống như chất dầu bôi trơn giữa phổi và thành ngực để chúng có thể trượt lên nhau dễ dàng khi di chuyển lúc bạn thở. Tràn dịch màng phổi xảy ra khi lượng dịch này tích tụ quá nhiều và tách phổi ra khỏi thành ngực.

Tràn dịch màng phổi xảy ra có thể do chấn thương hoặc bệnh lý. Nó có thể do suy tim, ung thư, tắc mạch phổi, hoặc viêm nhiễm gây ra. Nếu trong dịch màng phổi có sự hiện diện của máu thì người ta gọi tình trạng này là "tràn máu màng phổi"; còn nếu đó là mủ thì người ta gọi là "tràn mủ màng phổi"; nếu khí len vào trong các khoang trống thì hiện tượng này được gọi là tràn khí màng phổi; nếu là dịch dưỡng trấp thì hiện tượng này được gọi là tràn dưỡng trấp màng phổi. Có hai loại tràn dịch màng phổi là dịch thấm và dịch tiết.
Sự mất cân bằng giữa áp lực của động tĩnh mạch với áp lực bên trong khoang màng phổi (áp lực thẩm thấu) gây ra tràn dịch dịch thấm. Dịch thấm có chứa một ít tế bào protein và một ít chất rắn và có màu vàng xanh, trong. Những bệnh có thể gây ra tràn dịch màng phổi dịch thấm là suy tim, và ít gặp hơn là những bệnh về gan và thận.
Tràn dịch màng phổi dịch tiết có nguyên nhân từ những viêm nhiễm và ung thư. Dịch tiết có chứa một lượng lớn các tế bào protein, bạch cầu, và những tế bào miễn dịch di chuyển vào trong dịch màng phổi và tích tụ bên trong mô hoặc ở trên bề mặt mô. Dịch tiết cũng có màu vàng xanh nhưng đục hơn dịch thấm. Nếu có sự hiện diện của mủ do nhiễm trùng (tràn mủ màng phổi), dịch sẽ chuyển sang màu vàng, đục, và có mùi hôi. Những nguyên nhân thường gặp gây tràn dịch màng phổi dịch tiết là viêm phổi, lao, tắc mạch phổi (động mạch phổi bị nghẽn), ung thư, và chấn thương.
GIẢI PHẪU HỌC
Khoang màng phổi
Mỗi phổi được bao phủ bởi một lớp áo niêm mạc bóng, mỏng, và trong suốt được gọi là thanh mạc hay màng phổi. Lớp trong của màng phổi (lớp tạng) dính vào phổi và lớp bên ngoài (lớp thành) dính vào với thành ngực. Cả hai lớp được bao phủ bởi các tế bào trung biểu mô, các tế bào này chế tiết ra một lượng dịch nhỏ (ít hơn 2 muỗng súp) để bôi trơn giữa thành ngực với phổi. Cả hai lớp này được giữ lại với nhau bởi một lớp dịch màng phổi mỏng, tương tự như hình ảnh hai slide kính hiển vi được thấm ướt và dính lại với nhau. Khoang màng phổi còn được gọi là khoang ảo và trong thực tế nó không tồn tại. Màng phổi có chức năng bảo vệ phổi, giúp cho phổi tránh không phải tiếp xúc trực tiếp với thành ngực và cơ hoành. Các tế bào trong khoang màng phổi chủ yếu là các tế bào trung biểu mô lợp bề mặt của các màng phổi và một số tế bào bạch cầu.
Màng phổi là màng bán thấm. Một lượng dịch nhỏ liên tục được rỉ ra từ các mạch máu qua màng phổi thành. Màng phổi tạng hấp thu dịch rồi sau đó dẫn chúng đi vào hệ lympho rồi quay ngược trở về máu. Các protein trong hệ tuần hoàn và sự cân bằng áp lực giúp cho dịch từ các mạch máu không rỉ vào khoang màng phổi với một lượng lớn.
Khoang màng phổi
Khoang màng phổi
Cơ chế tích tụ dịch màng phổi
Sự tích tụ một lượng dịch lớn trong khoang màng phổi có thể xảy ra do sự phối hợp của hai yếu tố là lượng dịch rỉ ra từ các mạch máu rồi chảy vào trong mô và sự sản xuất dịch quá mức của các tế bào trung biểu mô. Dịch tích tụ trong khoang màng phổi qua ba cơ chế: gia tăng dẫn lưu dịch vào khoang màng phổi, sự gia tăng sản xuất dịch vào khoang màng phổi của các tế bào và giảm dẫn lưu dịch từ khoang màng phổi đi ra ngoài.
Sự gia tăng dẫn lưu dịch từ hệ tuần hoàn đi vào khoang màng phổi xảy ra khi có sự gia tăng áp lực ở trong hệ thống tĩnh mạch (gây mất cân bằng áp lực) hoặc khi có quá ít protein trong máu. Dịch báng (là dịch trong khoang màng bụng, hoặc ổ bụng) có thể chảy qua một lỗ nhỏ ở cơ hoành vào khoang màng phổi. Một lượng lớn dịch có thể chảy trực tiếp vào khoang màng phổi theo cách này.
Những tế bào trung biểu mô bất thường (chẳng hạn như trong bệnh bụi phổi amian) có thể sản xuất ra một lượng lớn dịch. Các tế bào bạch cầu có thể tích tụ lại để phản ứng lại với quá trình viêm nhiễm trong khoang màng phổi (tràn mủ màng phổi). Dịch do những tế bào này sản xuất ra khó dẫn lưu được hoặc do chúng được sản xuất ra với một lượng lớn vượt quá khả năng dẫn lưu bình thường của hệ lympho.
Những tế bào u ác tính có thể di chuyển (di căn) đến khoang màng phổi từ bất kỳ một khối u nào của cơ thể. Những tế bào này có thể dính vào bề mặt của màng phổi thành hay màng phổi tạng hoặc trôi nổi tự do trong khoang màng phổi và sản xuất ra một lượng dịch lớn.
Các tế bào u cũng có thể gây tắc nghẽn hệ thống lympho dẫn lưu làm tích tụ dịch. Nếu sự tắc nghẽn xảy ra ở hệ lympho trung tâm có chức năng dẫn lưu dưỡng trấp (một loại dịch giống như sữa có chứa các bạch huyết và mỡ) đến ống ngực có thể gây ra tràn dịch dưỡng trấp màng phổi.
NGUYÊN NHÂN
Những nguyên nhân thường gặp gây tràn dịch màng phổi bao gồm suy tim, lao, tắc mạch phổi, di căn (là hiện tượng những khối ung thư lan tràn đến màng phổi), lymphoma (ung thư ở hệ lympho), và chấn thương. Những nguyên nhân ít gặp hơn bao gồm những bệnh về gan và thận, nhiễm virus và nấm, u tế bào trung biểu mô (bao gồm những khối u lành hoặc ác xuất phát từ những tế bào trung biểu mô; u ác tính thường gặp ở những bệnh nhân tiếp xúc với bụi amiang), và phản ứng ngược của thuốc. Tràn dịch màng phổi cũng có thể là một biến chứng xuất hiện sau phẫu thuật tim.
Tràn máu màng phổi (tràn dịch có lẫn máu bên trong) có nguyên nhân từ chấn thương. Tràn dưỡng trấp màng phổi có nguyên nhân từ những bệnh u tân sinh (ung thư) và chấn thương là suy giảm chức năng dẫn lưu của hệ lympho.
Một số thuốc có thể gây ra bệnh lupus. Đây là một hội chứng viêm mạn tính có thể có các biểu hiện như viêm màng phổi, tràn dịch màng phổi và một số biểu hiện khác. Hội chứng này thường sẽ tự khỏi sau khi người bệnh ngừng sử dụng thuốc. Đó là những loại thuốc có chứa procainimide (chống loạn nhịp tim), hydralazine (chống tăng huyết áp), isoniazid (kháng sinh), penicillamine (điều trị viêm khớp dạng thấp, và sulfonamide (kháng sinh).
TRIỆU CHỨNG
Những triệu chứng thường gặp nhất của tràn dịch màng phổi là khó thở và đau ngực. Những dấu hiệu của tràn dịch màng phổi được gây ra do phổi bị chèn ép. Ở một số trường hợp có thể bệnh nhân có triệu chứng ho và có thể sốt trong tràn mủ màng phổi.

CHẨN ĐOÁN
Thông thường tràn dịch màng phổi có thể được chẩn đoán ra nhờ X quang ngực đơn giản, tuy nhiên có thể cần phải sử dụng thêm những phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác để xác nhận lại sự hiện diện của dịch trong màng phổi. Siêu âmCT ngực thường được sử dụng để làm điều này. Một kiểu chụp X quang đặc biệt, chụp bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng, cũng có thể giúp xác định lại sự hiện diện của dịch trong màng phổi và giúp bác sĩ ước lượng được lượng dịch vì khi bệnh nhân nằm nghiêng như vậy, dịch tự do trong lồng ngực sẽ dịch chuyển và đọng lại dọc theo mặt bên của thành ngực, khi đó bác sĩ sẽ đo độ sâu của vùng tụ dịch để ước lượng được lượng dịch có trong lồng ngực.

Thông thường cũng cần phải lấy một ít dịch ra ngoài để khảo sát giúp xác định nguyên nhân gây ra tràn dịch. Nếu như tràn dịch có nguyên nhân rõ ràng, chẳng hạn như suy tim sung huyết nặng, và dịch tích tụ ở cả 2 bên của lồng ngực, các bác sĩ sẽ cho điều trị thử nhắm trực tiếp vào bệnh nguyên nhân và nếu nhờ vậy tình trạng tràn dịch được giải quyết thì có thể sẽ không cần thiết phải lấy dịch ra ngoài để khảo sát. Do nguyên nhân gây tràn dịch có thể là lành tính nhưng cũng có thể là ác tính nên thông thường các bác sĩ sẽ phải lấy dịch ra để thử. Thủ thuật rút dịch ra ngoài còn được gọi là thủ thuật chọc dò màng phổi. Đôi khi người ta cần lấy một ít mẫu tế bào từ màng phổi (sinh thiết màng phổi) để xác định nguyên nhân gây tràn dịch.

Chọc dò màng phổi
Thủ thuật chọc dò màng phổi được thực hiện để lấy một ít dịch màng phổi ra ngoài để khảo sát hoặc rút ra một lượng lớn dịch ra ngoài nhằm mục tiêu điều trị. Bệnh nhân sẽ được ngồi ở bàn, nghiêng người chống cẳng tay lên bàn. Vị trí của dịch có thể được xác định qua siêu âm hoặc bằng cách dùng tay gõ lên thành ngực. Thủ thuật gõ này được thực hiện như sau: bác sĩ đặt 1 ngón tay lên thành ngực bệnh nhân rồi dùng 1 ngón của bàn tay còn lại gõ lên ngón tay đó. Phổi chứa đầy khí nên khi gõ sẽ cho âm rỗng, nếu phổi được bao phủ bởi dịch thì khi gõ sẽ cho âm đục.
Tư thế chọc dò dịch màng phổi
Tư thế chọc dò dịch màng phổi
Vị trí chọc và khu vực xung quanh sẽ được sát trùng bằng betadine. Sau đó bác sĩ sẽ đâm một cây kim nhỏ vào da để bơm lidocaine (một loại thuốc gây tê) vào. Khi da đã bị tê, bác sĩ sẽ đâm kim vào sâu hơn để gây tê lớp mô nằm bên dưới bằng lidocaine. Tiếp sau đó, kim sẽ được đâm vào sâu dần dần và bơm lidocaine ra ngoài dọc theo đường đi cho đến khi vào được khoang màng phổi. Dấu hiệu cho biết kim đã vào được khoang màng phổi là khi có ít dịch màng phổi được hút ngược trở vào bên trong lòng kim. Khi vùng mô từ da cho đến màng phổi thành (lớp ngoài của màng phổi) được gây tê, một cây kim khác hơi lớn hơn 1 chút sẽ được đưa vào theo đường đã được gây tê trước đó để đến khoang màng phổi. Kim lớn sẽ giúp rút dịch ra một cách hiệu quả hơn.
Các bác sĩ thường dùng 1 catheter (một loại ống) bằng nhựa để bọc lấy bên ngoài cây kim thứ hai này rồi luồn theo nó để đưa vào khoang màng phổi, sau đó kim sẽ được rút ra ngoài. Thao tác này tương tự như khi đặt catheter để truyền tĩnh mạch.
Các bác sĩ sẽ dẫn lưu dịch ra bên ngoài bằng cách cắm catheter vào một ống nhựa dẻo nối với một chai bên trong là chân không, khi đó dịch sẽ được hút ra bên ngoài. Lượng dịch có thể lấy ra ngoài có thể từ 30mL (khoảng 2 muỗng soup) đến hơn 1 lít. Thường các bác sĩ sẽ cho chụp lại phim X quang ngực sau khi thực hiện thủ thuật để kiểm tra xem bệnh nhân có bị tràn khí màng phổi hay không.
Đôi khi có thể xảy ra những tai biến khi chọc dò, chúng có thể là tràn khí màng phổi (có khí hiện diện trong khoang màng phổi), chảy máu, hạ huyết áp, phù phổi tái dãn nở và nhiễm trùng. Có thể sẽ xuất hiện triệu chứng ho khi phổi nở ra trở lại.
Tràn khí màng phổi thường xảy ra khi kim đâm trúng phổi hoặc khi khí bên ngoài len vào khoang màng phổi khi chọc dò. Hiện tượng này có thể xảy ra vào lúc đưa kim vào hoặc khi phổi dãn nở ra trở lại trong lúc dịch đang được dẫn lưu. Thông thường sẽ không có triệu chứng nào xuất hiện nhưng bệnh nhân có thể cảm thấy khó thở nhẹ. Có thể cần phải đặt một ống vào bên trong phổi để giúp phổi nở ra trở lại, và rút ống ra khi lỗ hổng đã được bịt kín. Nhiễm trùng và xuất huyết nặng rất hiếm khi xảy ra.
Hạ huyết áp cũng rất hiếm khi xảy ra và nó có nguyên nhân từ phản ứng mạch máu - thần kinh phế vị; nói một cách đơn giản hơn thì có nghĩa là những kích thích thần kinh gây ra hạ huyết áp. Khi một lượng dịch lớn được rút ra ngoài và phổi trước đó bị chèn ép nặng dãn nở ra lại, phổi có thể bị trám đầy trở lại bởi dịch. Hiện tượng này được gọi là phù phổi tái dãn nở. Hiện tượng này xảy ra ở những bệnh nhân được dẫn lưu một lượng lớn dịch ra ngoài nhưng trường hợp này hiếm khi xảy ra. Còn nhiễm trùng là nguy cơ của mọi thủ thuật có xâm lấn vào cơ thể.

Sinh thiết màng phổi kínĐôi khi cần phải lấy một ít mẫu của màng phổi để khảo sát giúp xác định nguyên nhân gây tràn dịch. Sinh thiết màng phổi kín là thủ thuật lấy đi một mẫu mô của màng phổi theo cùng một cách khi chọc dò màng phổi, ngoại trừ việc phải sử dụng loại kim khác. Có 2 loại kim khác nhau thường được dùng có cùng một tính chất. Kim dùng để sinh thiết màng phổi có một các móc ở đầu hoặc có một lỗ có bờ xung quanh rất sắc.
Thủ thuật này sẽ gây hơi khó chịu hơn thủ thuật chọc dò, và thường sẽ được cho gây tê. Sau khi gây tê da và vùng mô nằm giữa da và màng phổi, kim sẽ được đâm vào dọc theo đường trước đó để tới khoang màng phổi. Khi kim thụt lại, cạnh sắc của nó sẽ móc vào màng phổi. Khi màng phổi bị móc vào mặt cắt của kim, bác sĩ sẽ dùng tay điều khiển kim để cắt một mẫu nhỏ của màng phổi. Sau đó mẫu mô của màng phổi sẽ được mang ra bằng cách rút kim ra ngoài hoặc bằng cách hút một ít dịch qua kim, lượng dịch này cũng sẽ mang một ít mẫu mô sinh thiết theo nó đi vào ống tiêm. Thông thường sẽ lấy vài mẫu khác nhau.
Về cơ bản thì những nguy cơ của thủ thuật này cũng tương tự như thủ thuật chọc dò màng phổi, nhưng có gia tăng hơn một chút. Khi được thực hiện thủ thuật này, bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị tràn khí và xuất huyết cao hơn, ngoài ra tỷ lệ bị hạ huyết áp cũng cao hơn. Cắt vào màng phổi sẽ gây kích thích các dây thần kinh làm chúng phản ứng lại gây hạ huyết áp thoáng qua, đây được gọi là đáp ứng mạch-phế vị. Cho atropine cho bệnh nhân trước khi thực hiện thủ thuật có thể phòng được phản ứng mạch-phế vị này.
Sinh thiết màng phổi kín chỉ có thể lấy được những mẫu mô của màng phổi thành, tức lớp ngoài. Ngoài ra, kích thước của mẫu mô lấy về tương đối nhỏ và bác sĩ không thể tận mắt thấy được màng phổi.

Sinh thiết qua nội soi lồng ngựcỞ thủ thuật này, bác sĩ có thể quan sát được màng phổi và lấy được một mẫu mô lớn của nó. Nó được thực hiện bằng cách sử dụng một hệ thống cho phép chỉ rạch một đường rất nhỏ ở trên da và với sự giúp đỡ của 1 camera để có thể quan sát được tốt hơn. Thủ thuật này được thực hiện dưới gây mê toàn thể hoặc thuốc tê tĩnh mạch - với gây tê cục bộ. Bác sĩ sẽ rạch vài đường nhỏ trên da; đôi khi chỉ cần rạch 1 đường. Ống nội soi lồng ngực nhỏ sẽ được đưa vào qua đường rạch để quan sát trực tiếp màng phổi. Forcep dùng để sinh thiết sẽ được đưa qua cùng 1 đường với ống kính hoặc đưa qua 1 đường rạch khác để vào màng phổi và lấy mẫu mô sinh thiết.
Những biến chứng của thủ thuật này bao gồm: nguy cơ nhỏ gây chảy máu và nhiễm trùng. Tràn khí màng phổi luôn hiện diện và cần phải được đặt ống vào lồng ngực trong một thời gian ngắn sau thủ thuật. Cũng có thể dùng thủ thuật này để sinh thiết một mẫu mô nhỏ của màng phổi cũng được.

Sinh thiết màng phổi hởĐôi khi cần phải sinh thiết màng phổi hở dưới gây mê toàn thể. Phẫu thuật viên sẽ rạch một đường ở mặt bên lồng ngực bệnh nhân và đi vào khoang màng phổi, điều này cho phép có thể khảo sát được màng phổi ở mức tối đa, lấy được mẫu mô sinh thiết lớn của màng phổi và nếu cần thì lấy được luôn của cả phổi nằm bên dưới

Điều trị tràn dịch màng phổi phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Chẳng hạn như điều trị suy tim xung huyết có thể làm giảm tràn dịch màng phổi trong hầu hết các trường hợp. Ngừng những loại thuốc đang dùng nếu nó là thủ phạm gây tràn dịch. Có hai trường hợp cần phải được chú ý đặc biệt đó là tràn mủ màng phổi và tràn dịch ác tính.
Tràn mủ màng phổi
Viêm phổi do vi trùng có thể gây tràn dịch màng phổi không nhiễm trùng hay còn được gọi là tràn dịch cận viêm phổi. Khi dịch màng phổi bị nhiễm trùng hoặc viêm nhẹ, nó được gọi là tràn dịch cận viêm phổi có biến chứng hoặc viêm mủ màng phổi. Nhiễm trùng trong khoang màng phổi có thể gây viêm nặng, gây dày dính và xơ xẹo hóa khoang màng phổi và làm xẹp phổi cho đến khi tình trạng nhiễm trùng được giải quyết. Nhiễm trùng rất khó có thể diệt trừ được tận gốc mà không cần phải dẫn lưu dịch ra ngoài. Nếu chọc dẫn lưu màng phổi ở những bệnh nhân bị viêm mủ màng phổi, sau khi chọc hút thì dịch có thể sẽ tích tụ trở lại một cách nhanh chóng. Do đó, cách điều trị là dẫn lưu hết dịch hoàn toàn ra khỏi khoang màng phổi và làm cho nó trống rỗng cho đến khi tình trạng nhiễm trùng đã hết.
Phương pháp điều trị tràn mủ màng phổi thường được sử dụng nhất là dẫn lưu dịch ra ngoài bởi một ống dẫn lưu đặt ở ngực. Cần phải được sử dụng kháng sinh bất kể sử dụng phương pháp dẫn lưu nào. Ống dẫn lưu lồng ngực sẽ được đặt vào khoang màng phổi ở vị trí giữa các xương sườn (khe liên sườn) ở cạnh bên lồng ngực bệnh nhân. Thường bệnh nhân sẽ được cho sử dụng thuốc gây tê nhẹ hoặc thuốc giảm đau tiêm tĩnh mạch. Da bệnh nhân sẽ được bôi iodine có chứa những chất làm giảm số lượng vi trùng trên da và giới hạn lại nguy cơ bị nhiễm trùng. Da và vùng mô nằm giữa da và khoang màng phổi được gây tê bằng một kim nhỏ, tương tự như chọc dò màng phổi. Bác sĩ sẽ rạch da bệnh nhân rồi tách mô dưới da dần dần cho đến khi vào được khoang màng phổi. Một số bác sĩ có thể dùng trocar thay thế cho việc tách mô để đặt ống dẫn lưu. Ống dẫn lưu, có chu vi bằng khoảng một ngón tay nhỏ sẽ được đặt vào khoang màng phổi. Sau đó ống dẫn lưu sẽ được khâu cố định lại và vùng da xung quanh ống cũng được khâu lại. Ống dẫn lưu thường được gắn vào máy hút để có thể dẫn lưu được dễ dàng. Ống dẫn lưu sẽ được lưu lại trong khoảng vài ngày cho đến khi dịch màng phổi không còn được tạo ra nữa và lượng dịch được dẫn lưu ra ngoài xuống còn mức tối thiểu.
Hiếm khi gặp biến chứng, chúng có thể là xuất huyết, nhiễm trùng, và đâm trúng phổi. Việc đặt ống dẫn lưu ở phổi có gây đôi chút khó chịu và vị trí đặt ống sẽ vẫn còn cảm giác khó chịu cho đến khi ống đã được rút ra. Thông thường bệnh nhân được đặt ống sẽ cần phải sử dụng thuốc giảm đau hệ thống, có thể dưới dạng viên uống hoặc dạng chích, cho đến khi ống được rút ra ngoài.
Có thể sẽ không thể dẫn lưu hết dịch ra ngoài được do sự hình thành các vách bằng fibrin. Fibrin là một phân tử đóng vai trò chính trong sự hình thành cục máu đông (quá trình đông máu). Trong viêm mủ màng phổi, sẽ có rất nhiều fibrin và chúng sẽ tạo ra các túi dịch (tràn dịch có vách ngăn) tạo thành bức tường ngăn cách dịch với vị trí dẫn lưu. Có hai cách để giải quyết tình huống này: đó là dùng phương pháp hóa học hoặc phẫu thuật.
Một loại hóa chất có khả năng phân giải fibrin, chẳng hạn như urokinase và streptokinase, có thể được nhỏ vào ống dẫn lưu mỗi ngày trong vòng vài ngày. Hóa chất này có thể phân giải các chỗ kết dính bởi fibrin giúp cho dịch có thể dẫn lưu ra được bên ngoài. Hoặc các bác sĩ cũng có thể dùng phương pháp phẫu thuật dưới gây mê toàn thể để có thể tự tay bóc gỡ các chỗ dính và dẫn lưu dịch ra khỏi khoang màng phổi. Phẫu thuật viên sẽ đặt ống vào khoang màng phổi để có thể tiếp tục dẫn lưu sau khi phẫu thuật (hậu phẫu), cho đến khi dịch thôi không còn được tạo ra nữa, thông thường là trong vòng vài ngày.
Tràn dịch màng phổi ác tính
Tràn dịch màng phổi ác tính thông thường được điều trị để làm giảm bớt triệu chứng khó thở và/hoặc đau ngực gây ra bởi u trung biểu mô (gây ra bởi bệnh amiang phổi) hoặc những khối u tân sinh khác vốn là di căn ở những nơi khác trên cơ thể đến; vị trí u nguyên phát (vị trí gốc, đầu tiên xuất hiện khối u) thường là phổi và vú. Tỷ lệ u di căn thấp hơn rất nhiều so với u nguyên phát của màng phổi (u trung biểu mô). Có 4 cách để điều trị tràn dịch màng phổi ác tính và tùy theo từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ có những lựa chọn điều trị khác nhau. Cách thứ nhất là hóa trị. Nếu khối u đáp ứng với cách điều trị này, triệu chứng tràn dịch có thể sẽ được giải quyết. Các điều trị thứ hai là chọc hút dịch cách quãng. Nếu thời gian tích tụ dịch trở lại chậm (từ 6, 7 tháng trở lên), các bác sĩ có thể giải quyết tràn dịch bằng cách chọc hút dịch màng phổi theo từng thời điểm cách quãng nhau. Cách điều trị thứ ba là làm dính màng phổi, được sử dụng trong trường hợp tràn dịch tái phát nhanh sau khi dẫn lưu. Cách điều trị thứ tư là dùng shunt (cầu nối) màng phổi-màng bụng.
Thủ thuật làm dính màng phổi
Đây là loại thủ thuật thường được dùng để điều trị tràn dịch màng phổi ác tính, và đôi khi nó cũng được dùng để kiểm soát tràn dịch màng phổi không phải là ác tính. Thủ thuật làm dính màng phổi sử dụng những chất gây xơ cứng làm cho bề mặt màng phổi bị viêm và hóa sẹo làm cho màng phổi thành và màng phổi tạng dính lại với nhau làm cho khoang màng phổi bị đóng lại và dịch không thể tích tụ lại được nữa.
Có hai phương pháp. Phương pháp thứ nhất là dùng ống đặt vào lồng ngực để dẫn lưu dịch ra ngoài. Sau khi dịch đã được dẫn lưu hết, chất gây xơ sẽ được bơm vào màng phổi thông qua ống. Chất này sẽ tự phát tán trong vòng vài giờ rồi sau đó ống dẫn lưu sẽ được gắn vào với máy hút. Máy hút sẽ kéo hai bề mặt của màng phổi thành và màng phổi tạng lại với nhau giúp cho chúng bị hóa sẹo lại với nhau. Cần phải mất vài ba ngày để có thể dẫn lưu dịch ra ngoài đến mức vừa đủ để có thể bơm chất gây xơ vào bên trong. Ống dẫn lưu sẽ được lưu lại, thông thường trong vòng vài ngày, cho đến khi lượng dịch chảy ra ngoài giảm xuống đến mức hợp lý. Tuy nhiên điều bất tiện là cần phải mất đến vài ngày mới hoàn tất. Như đã được nói ở trên, ống dẫn lưu khi được đặt vào bên trong ngực thường sẽ gây khó chịu và bệnh nhân sẽ cần phải dùng đến thuốc giảm đau.
Phương pháp thứ hai là nội soi lồng ngực. Bác sĩ sẽ rạch một hoặc vài đường trên da ngực để đưa ống nội soi vào qua vết rạch giúp quan sát được màng phổi. Sau đó, chất làm xơ hóa sẽ được các bác sĩ đặt vào bề mặt của màng phổi khi đang quan sát trực tiếp qua ống nội soi. Những biến chứng của thủ thuật này bao gồm nguy cơ nhỏ bị chảy máu và nhiễm trùng. Luôn xảy ra tràn khí màng phổi và cần phải đặt ống dẫn lưu lồng ngực một thời gian ngắn sau khi nội soi. Những người đề xuất cho phương pháp này cho rằng chất làm xơ hóa có thể cho hiệu quả cao hơn khi được bôi trực tiếp vào màng phổi. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào cho thấy có phương pháp nào trong số hai phương pháp kể trên tốt hơn cái còn lại. Những chất làm xơ hóa có thể là talc, bleomycin, và doxycycline.
Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào bị tràn dịch màng phổi hệ thống đều thích hợp để thực hiện thủ thuật làm dính màng phổi, và thủ thuật này cũng không phải có hiệu quả trên tất cả các trường hợp. Những bệnh nhân có thời gian sống thấp hơn vài tháng thông thường không thích hợp để được thực hiện thủ thuật. Những bệnh nhân có tình trạng chức năng rất thấp và những bệnh nhân bị ép phổi cũng không thích hợp để được thực hiện thủ thuật này. Phổi bị ép sẽ không dãn nở ra được sau khi dịch đã được dẫn lưu hết ra ngoài. Phổi bị ép là khi màng phổi tạng bị bó quá mức bởi những khối u hay sẹo làm cho nó không dãn nở ra được và bó chặt lá phổi nằm bên trong lại không cho dãn nở ra. Phổi cũng có thể không tái dãn nở ra được nếu như có khối u gây chèn ép khí phế quản làm cho không khí không thể di chuyển vào vùng phổi nằm ở hạ lưu của vị trí bị chèn ép được. Nếu phổi không thể tái dãn nở được thì thủ thuật làm dính màng phổi cũng không có tác dụng. Những bệnh nhân có dịch màng phổi có độ pH thấp cũng không thực hiện được thủ thuật này.
Thủ thuật cọ sát màng phổi bằng hoặc không cần bằng phẫu thuật
Những bệnh nhân thất bại điều trị với thủ thuật làm dính màng phổi và có khả năng phẫu thuật được có thể được xem xét để thực hiện điều trị bằng thủ thuật cọ sát màng phổi bằng hoặc không cần bằng phẫu thuật. Thủ thuật này được thực hiện bằng cách phẫu thuật viên sẽ làm cho các bề mặt của màng phổi thô ráp lên bằng cơ học để gây ra hiện tượng viêm và tổn thương để chúng có thể hóa sẹo và kết dính lại với bề mặt màng phổi đối diện. Trong thủ thuật này các bác sĩ cũng có thể sẽ cắt bỏ màng phổi. Thủ thuật này ít khi được thực hiện.
Đặt shunt (ống thông) giữa màng phổi và màng bụng.
Thủ thuật này có thể sẽ được xem xét thực hiện ở một số bệnh nhân được lựa chọn. Một đầu của catheter (ống thông) được đặt vào khoang màng phổi, catheter sẽ được luồn dưới da và đầu còn lại được đặt vào trong ổ bụng (khoang màng bụng/khoang phúc mạc). Bên trong lòng catheter có một van 1 chiều và có một đoạn có thể co bóp để bơm dịch từ khoang màng phổi xuống dưới khoang phúc mạc. Mặt hạn chế duy nhất của thủ thuật này là catheter có thể bị bít tắc. Dịch bên trong có nhiều tế bào ác tính sẽ được bơm vào bên trong ổ bụng. Thủ thuật này có thể sẽ cho hiệu quả cao trong việc làm giảm các triệu chứng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét